HƠN 70 CÔNG TY BÁO LỖ QUÝ II

Menu

Menu

minhphatholding@gmail.com 0981388578
HƠN 70 CÔNG TY BÁO LỖ QUÝ II

    Chưa đơn vị nào báo lỗ nghìn tỷ như cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng đã có vài trường hợp trăm tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất đang rơi vào lĩnh vực vận tải biển, khai thác khoáng sản...

    Chưa đơn vị nào báo lỗ nghìn tỷ như cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng đã có vài trường hợp trăm tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất đang rơi vào lĩnh vực vận tải biển, khai thác khoáng sản...

    Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, tính đến đầu tháng 8, trong số hơn 400 doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội và TP HCM đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II, có trên 70 đơn vị báo lỗ. Một số trường hợp mới công bố báo cáo riêng lẻ nhưng cũng ghi nhận âm lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.

    Theo báo cáo riêng lẻ, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (Mã CK: PVX) lỗ quý II gần 375 tỷ đồng và là doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trên 300 tỷ. Hai doanh nghiệp khác cũng công bố kết quả lỗ trăm tỷ tại công ty mẹ là Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart - Mã CK: VST) và Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã CK: VOS).

    Trong đó, Vận tải biển Việt Nam lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm hơn 196 tỷ đồng, tương đương 16% vốn chủ sở hữu. Còn Công ty Vận tải và thuê tàu biển lợi nhuận âm 146 tỷ đồng, tương đương gần 40% vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Sau khi trình báo cáo hợp nhất, Vitranschart lỗ sau thuế 145 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại đều chưa có báo cáo bán niên hợp nhất.

    Một số đơn vị từng gánh lỗ khủng cùng kỳ năm trước như Tập đoàn Thái Hòa(Mã CK: THV) hay Công ty Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (Mã CK: VSP) cũng chưa thông báo kết quả kinh doanh.

    Theo báo cáo hợp nhất, nhóm doanh nghiệp vốn chủ sở hữu dưới 20 tỷ có 14 công ty báo lỗ quý II, đơn vị lỗ nặng nhất là Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng (Mã CK: GGG) và Công ty cổ phần Nam Vang (Mã CK: NVC).

    Theo đó, lỗ sau thuế của Nam Vang đạt 31,6 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên 42 tỷ đồng. Doanh thu công ty quý II là 102 tỷ đồng, nhưng trị giá vốn hàng bán quá cao (105 tỷ đồng) khiến Nam Vang lỗ ngay sau đó. Lãi từ hoạt động đầu tư tài chính gần 2,4 tỷ đồng không đủ giúp công ty thoát lỗ.

    Danh sách công ty lỗ nặng nhất quý II

    Doanh nghiệp Vốn chủ sở hữu Lỗ quý II Nợ ngắn hạn
    Ô tô Giải Phóng 1,17 -5,9 149,5
    Cổ phần  Nam Vang 23,5 -31,6 906,7
    Vận tải Vinaconex 36,7 -15,3 76,8
    Than Cao Sơn 185,4 -86,5 1.186
    Than Cọc Sáu 242,3 -56,7 1.306
    Than Đèo Nai 228,9 -51,1 817

    (đơn vị: tỷ đồng)

    Đến ngày 30/6, Nam Vang vẫn còn khoản tiền mặt hơn 8 tỷ đồng, 95% số này đang nằm tại quỹ công ty, còn lại phần nhỏ gửi ngân hàng. Nợ ngắn hạn doanh nghiệp trên 900 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến hết quý II lên tới hơn 196 tỷ khiến vốn chủ sở hữu âm 23 tỷ đồng.

    Trong khi đó, Công ty Ô tô Giải Phóng lỗ sau thuế quý II gần 6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 1,17 tỷ đồng do gánh lỗ lũy kế gần 96 tỷ. Đến ngày 30/6, công ty có 7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng mạnh so với mức gần 180 triệu đồng hồi đầu năm.

    Nhóm công ty có quy mô vốn 20-50 tỷ có 15 công ty báo lỗ, trong đó Công ty cổ phần Vận tải Vinaconex (Mã CK: VCV) lỗ nặng nhất. Theo báo cáo tài chính, lỗ sau thuế quý II của Vận tải Vinaconex hơn 15,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 6 tháng lên 25 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu công ty chỉ gần 37 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vận tải Vinaconex đã vượt gấp đôi vốn chủ sở hữu, đạt 76,8 tỷ đồng.

    Còn nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 100-300 tỷ đồng, ba công ty lỗ nặng nhất (trên 50 tỷ đồng) đều tập trung vào lĩnh vực khai thác mỏ, gồm Công ty cổ phần Than Cọc Sáu – Vinacomin (VCSC, Mã CK: TC6), Cổ phần Than Cao Sơn – Vinacomin (Mã CK: TCS) và Cổ phần Than Đèo Nai – TKV (VDNC, Mã CK: TDN).

    Theo báo cáo tài chính, doanh thu quý II của Than Cọc Sáu đạt 1.161 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trị giá vốn hàng hóa cao (1.122 tỷ đồng) cùng các chí phí cơ bản tăng từ vài tỷ cho đến hơn 20 tỷ đồng khiến công ty lỗ sau thuế 56 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện có vốn chủ sở hữu trên 240 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu, đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

    Trong khi đó, công ty Than Đèo Nai có tổng nguồn vốn gần 230 tỷ đồng nhưng số nợ ngắn hạn lớn gấp 3 lần. Quý II vừa qua, Than Đèo Nai báo lỗ 51 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 6 tháng lên 56,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước công ty vẫn có lãi.

    Tương tự Than Cọc Sáu, trị giá vốn hàng bán cao tiếp tục là một trong những yếu tố khiến lợi nhuận Than Đèo Nai dần co lại và chuyển sang lỗ. Doanh thu hoạt động tài chính bao gồm các khoản lãi đầu tư chứng khoán, tiền gửi, cho vay cũng chỉ đóng góp hơn 120 triệu đồng, giảm mạnh 6 lần so với nửa đầu năm ngoái.

    Theo lý giải từ doanh nghiệp, việc kinh doanh thất bát trong quý II chủ yếu bắt nguồn từ tình hình tiêu thụ khó khăn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

    Còn Công ty Than Cao Sơn có vốn chủ sở hữu thấp hơn 2 doanh nghiệp trên, chỉ đạt 185 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế tới 86,5 tỷ đồng. Theo giải thích của công ty, nguyên nhân lỗ là giá bán than của Tập đoàn Vinaconmin thấp hơn so với kế hoạch, khiến sản phẩm Than Cao Sơn phải hạ 7% giá. Ngoài ra, nguồn bán sản phẩm ngoài than cũng giảm đáng kể do không có khách hàng.

    Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngành than khó khăn trong thời gian qua là do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải thu hẹp hoạt động hoặc phá sản cũng ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng năng lượng cũng ảnh hưởng lớn đến những đơn vị này.

    "Nhu cầu sử dụng năng lượng giảm, cộng thêm kinh tế khó khăn nên đa phần người dân chuyển sang dùng năng lượng thay thế và tiết kiệm. Không chỉ các công ty cỡ trung thua lỗ, ngay cả những doanh nghiệp quy mô vốn lớn cùng lĩnh vực cũng đang rất khó khăn", ông Khánh phân tích.

    Cũng theo ông Khánh, những quyết định như tăng giá xăng, điện cũng là yếu tố tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. "Ảnh hưởng rõ rệt nhất là chi phí đầu vào, vì hiện nay đầu ra rất khó để tăng giá bán sản phẩm. Nếu cứ tiếp tục xu thế này, doanh nghiệp khó mà thở được", ông Khánh nhận xét.

    Lý giải về số doanh nghiệp báo lỗ trong thời gian qua tăng so với cùng kỳ năm trước, chuyên gia này cho rằng phần nhiều các công ty đã hết khả năng cầm cự. Trong khi đó, những năm về trước, để cầm chừng, nhiều doanh nghiệp vẫn hay chọn cách báo cáo chuyển đổi số liệu sang kỳ sau. Thời gian tới, ông Khánh nhận định số doanh nghiệp lỗ có thể vẫn còn, nhưng tốc độ chậm lại và tới năm sau sẽ bắt đầu lạc quan hơn.

    Trong khi đó, gần 100 công ty thuộc nhóm doanh nghiệp quy mô vốn từ 300 tỷ trở lên đa phần có lãi. Chỉ 8 đơn vị báo lỗ, thấp nhất là 533 triệu đồng của Công ty cổ phần Chứng khoán Phố Wall (Mã CK: WSS) và cao nhất là 26 tỷ đồng của Công ty cổ phần  Thương mại  SMC.

    1
    icon_zalod
    images